Quay lại
Tin tức pháp lý
3/8/2023, 9:30:00 AM

THỦ TỤC XÉT XỬ PHÚC THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ

1. Xét xử phúc thẩm là gì? Khi nào thì xét xử phúc thẩm?

Thủ tục xét xử sơ thẩm, là cấp xét xử đầu tiên của Tòa án. Nếu đương sự không đồng ý với bản án trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì đương sự có thể làm đơn kháng cáo, hoặc Viện kiểm sát kháng nghị thì sẽ chuyển sang giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. 

Căn cứ theo Điều 64 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thành phần hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự và cả hình sự đều gồm ba Thẩm phán. Riêng việc hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn chỉ do một Thẩm phán tiến hành.

2. Trình tự phúc thẩm vụ án dân sự

Bước 1: Người có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm.

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Ngoài việc kháng cáo của các đương sự thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Cơ sở pháp lý: Điều 271 và Điều 278 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Bước 2: Đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
  • Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
  • Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Cơ sở pháp lý: Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Bước 3: Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm.

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

Cơ sở pháp lý: Điều 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Bước 4: Thông báo về việc kháng cáo và thụ lý việc kháng cáo của Tòa án.

Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo.

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Cơ sở pháp lý: Điều 277 và Điều 285 Bộ luật Tống tụng dân sự 2015

3. Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.

Chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Trong vòng 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa có thể đưa ra quyết định tạm đình chỉ xét xử, đình chỉ xét xử hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Quyết định này dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án đã được xét xử ở cấp sơ thẩm.

Cơ sở pháp lý: Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Phiên Tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Trường hợp Tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì phiên tòa phải được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật, gồm thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi các đương sự, thủ tục tranh luận, thủ tục nghị án và tuyên án.

Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các Điều 237, 239, 240, 241 và 242 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Hỏi về việc kháng cáo: Sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm thì một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo. Tòa án sẽ hỏi nguyên đơn có rút đơn khởi kiện hay không, hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không (Điều 298 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Công nhận sự thỏa thuận của các bên: Theo quy định của Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuận đó và dựa trên đó đưa ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm. Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì phiên tòa được tiến hành theo thủ tục gồm phần tranh tụng giữa nguyên đơn, bị đơn.

Nghị án và tuyên án khi xét xử phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 307 BLTTDS 2015, Việc nghị án, trở lại việc hỏi và tranh luận, thời gian nghị án, tuyên án, sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm được thực hiện như thủ tục xét xử sơ thẩm. Quy định tại mục 4 Chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

4. Khác biệt giữa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự

Cơ sở phát sinh

Sơ thẩm: Đơn khởi kiện được tòa án thụ lý

Phúc thẩm: Đơn kháng cáo của người tham gia tố tụng hoặc kháng nghị của viện kiểm sát.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Sơ thẩm: Là tòa án thụ lý vụ án có đầy đủ thẩm quyền giải quyết

Phúc thẩm: Tòa án cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Sơ thẩm: Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật này. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.

Phúc thẩm: Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba Thẩm phán, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật này.

Nguyên đơn rút đơn kiện

Sơ thẩm: Không cần có sự đồng ý của bị đơn, đình chỉ xét xử vụ án

Phúc thẩm: Phụ thuộc vào vị đơn có đồng ý hay không, có kiện ngược lại không

Hậu quả của đình chỉ xét xử

Sơ thẩm: Chấm dứt toàn bộ vụ án

Phúc thẩm: Trường hợp cá nhân tổ chức không có người thừa kế thì chấm dứt toàn bộ vụ án, trường hợp rút đơn kháng cáo kháng nghị thì bản án quyết định sơ thẩm sẽ có hiệu lực.

Hòa giải

Sơ thẩm: Tại phiên tòa thẩm phán hỏi các đương sự có thỏa thuận với nhau không, nếu thỏa thuận được thì công nhận sự thỏa thuận đó.

Phúc thẩm: Không có thủ tục hòa giải

Hỏi và tranh luận

Sơ thẩm: Hỏi và tranh luận những vấn đề liên quan đến vụ án

Phúc thẩm: Hỏi và tranh luận những vấn đề thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị

Hiệu lực

Sơ thẩm: Chưa có hiệu lực ngay

Phúc thẩm: Có hiệu lực pháp luật ngay

 5. Hỗ trợ của Luật sư KA trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thông qua nền tảng KA-ACADEMY 

Thông qua nền tảng KA ACADEMY, luật sư KA sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành hỗ trợ khách hàng một cách chủ động và linh hoạt nhất. Bằng bề dày kinh nghiệm tham gia tố tụng nhiều năm, tiếp xúc với nhiều vụ việc khác nhau, luật sư KA có đủ kiến thức và trải nghiệm để cung cấp những chứng cứ, chỉ ra những điểm mà bản án sơ thẩm chưa giải quyết được toàn diện, chưa phù hợp, từ đó khách hàng sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tuyệt đối nhất.

Nếu thân chủ đã thắng ở phiên tòa sơ thẩm, thì tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư KA sẽ bảo vệ thân chủ để Tòa án giữ nguyên quyết định như ở bản án sơ thẩm. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sẽ được bảo vệ toàn diện nhất.

Nền tảng KA-ACADEMY không chỉ là môi trường để các luật sư trao đổi kiến thức, học hỏi lẫn nhau mà còn là nơi trung gian tiếp xúc, hỗ trợ những người có nhu cầu cần tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đó là mục tiêu mà KA ACADEMY hướng đến để KA ngày càng hoàn thiện hơn về chuyên môn lẫn ứng dụng công nghệ.

Chia sẻ