Quay lại
Tin tức pháp lý
12/8/2022, 4:00:00 AM

KỸ NĂNG GIAO TIẾP HIỆU QUẢ CỦA LUẬT SƯ

1. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả của Luật sư là gì? 

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả của Luật sư thường có tính đặc thù cao hơn so với các kỹ năng giao tiếp thông thường của các ngành nghề khác. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả của Luật sư thường bao gồm kỹ năng lắng nghe, trình bày và thuyết phục đối tượng. Ngoài ra hoạt động giao tiếp của Luật sư với khách hàng phải đảm bảo tuân thủ Quy tắc Đạo đức, Ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam.  

Tóm lại: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả của Luật sư là kỹ năng của luật sư trong việc vận dụng hiệu quả và nhuần nhuyễn các kỹ năng lắng nghe, trình bày, thuyết phục,... để quá trình hành nghề Luật sư trở nên dễ dàng hơn. Góp phần xây dựng danh tiếng, uy tín của bản thân trước khách hàng, đồng nghiệp cũng như các Cơ quan nhà nước. 

      2. Vai trò của kỹ năng giao tiếp hiệu quả 

Việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, lắng nghe ý kiến, nội dung sự việc của khách hàng là vô cùng quan trọng đối với Luật sư, nếu tiếp nhận sai thông tin từ khách hàng thì toàn bộ các công việc, các dịch vụ mà Luật sư cung cấp sẽ không có ý nghĩa đối với khách hàng và không được trả phí, ngoài ra nếu Luật sư không tạo được ấn tượng tốt đối với khách hàng từ cuộc tiếp xúc, thì khách hàng sẽ không lựa chọn Luật sư đó để thực hiện tư vấn pháp lý…

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ giúp cho Luật sư xây dựng được mối quan hệ với khách hàng, tạo được hình ảnh tin cậy của Luật sư cũng như tổ chức hành nghề, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Với đặc thù công việc là phải giao tiếp nhiều với khách hàng, với cơ quan nhà nước và các đồng nghiệp, đồng thời để công việc của Luật sư luôn thuận lợi và tạo cái nhìn thiện cảm đến mọi người, mỗi Luật sư cần phải trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Giao tiếp hiệu quả không chỉ dừng lại dưới hình thức lời nói mà còn bằng hình thức văn bản và cách mà Luật sư lắng nghe đối phương. Theo đó, làm thế nào để giao tiếp hiệu quả?  

test_995f87e1eb.jpg

3. Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả? 

Trong việc giao tiếp giữa người với người, giữa Luật sư với khách hàng, với HĐXX, VKS, cơ quan nhà nước… đòi hỏi Luật sư phải:

  • Giao tiếp bằng một sự chân thành với khách hàng, một thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, tòa án, VKS.
  • Giọng nói tốt, cách trình bày dễ hiểu, nêu rõ ý kiến, quan điểm của mình, dùng từ ngữ chính xác, dễ hiểu và chuẩn mực, một sắc thái tự tin và lịch sự.
  • Có tính thiện tâm hướng về điều thiện, biết những lẽ phải thuộc về mình nhưng cũng phải khiêm tốn nhã nhặn, thân tình để có thể chia sẻ, phân tích kiến thức lay động Hội đồng xét xử, lay động VKS và Luật sư đối phương nhằm hướng đến quyền lợi hợp pháp cho thân chủ của mình là bị đơn trong những vụ kiện trong vụ án dân sự. 
  • Một khả năng viết, trình bày sắc sảo, nêu rõ quan điểm, ý kiến, đầy đủ nội dung, đúng trọng tâm vấn đề là một điểm cộng trong hành trình tư vấn cho khách hàng, thuyết phục Luật sư đối phương hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
  • Phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu Luật sư đối phương và cơ quan có thẩm quyền, rèn luyện khả năng lắng nghe không chỉ giúp Luật sư nắm chắc các thông tin mà còn tạo nên khả năng phản xạ và xử lý thông tin nhanh chóng, đưa ra căn cứ pháp lý phù hợp.

     4. Vai trò của KA-ACADEMY đối với văn hóa giao tiếp 

KA-ACADEMY mong muốn đào tạo, hình thành nên hệ thống kinh doanh tự động để cho nhiều Luật sư tham gia vào, dùng kiến thức của họ lan tỏa cho cộng đồng và cho cộng đồng hiểu được giá trị luật pháp, cũng như mong muốn truyền lại kiến thức và những tư duy tốt đẹp cho những người học luật, những Luật sư ít kinh nghiệm học hỏi kỹ năng hành nghề hiệu quả. 

Thực tế có những Luật sư rất giỏi trong việc tranh tụng, tìm căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề, bảo vệ lợi ích hợp pháp của thân chủ nhưng họ thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, khiến cho HĐXX thiếu thiện cảm và niềm tin vào Luật sư đó.

Mặc dù, những vụ án dân sự được xét xử dựa trên niềm tin nội tâm của HĐXX đối với vụ án và cơ sở căn cứ pháp lý là cầu nối để Thẩm phán ra những phán quyết ngay tình, đúng pháp luật, nhưng bên cạnh đó, việc HĐXX đưa ra phán quyết cuối cùng cũng còn căn cứ trên văn hóa của vấn đề pháp định, văn hóa lắng nghe, hướng về lẽ phải, công bằng. 

Nắm được cốt lõi vấn đề này, Luật sư sẽ điều chỉnh bản thân, thích nghi với văn hoá ứng xử, văn hoá trong phòng xử án, từ đó sẽ có những phát ngôn và hành xử tốt đẹp. Đó là những gì mà KA-ACADEMY mong muốn đào tạo nên những Luật sư, luật gia hoặc những cử nhân luật hội tụ đầy đủ kỹ năng như thế giúp họ trở thành những Luật sư toàn diện trong tương lai, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

 

Chia sẻ