Quay lại
Tin tức
12/22/2023, 2:46:20 AM

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Người Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng VinFuture 2023

Nền nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân, một nhà nghiên cứu và giáo sư nổi tiếng người Việt Nam, một người thầy lớn trong công tác đào tạo đã lực lượng khoa học cho đất nước trong nhiều thập niên qua và được mệnh danh là  “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Với tinh thần nhiệt huyết và kiến thức sâu rộng, ông đã đạt được nhiều giải thưởng và được tôn vinh cho những đóng góp xuất sắc của mình.  

large_image_4c53eb4465.png

(Nguồn hình: Internet) 

 Sinh ra trong gia đình nghèo tại Ba Chúc, ngôi làng heo hút trong dãy Thất Sơn, nên tuổi thơ của GS.TS Võ Tòng Xuân gắn liền với cơ cực, thiếu thốn.  Thuở niên thiếu của ông trải qua nhiều cơ cực, làm nhiều nghề để góp vào nguồn thu nhập ít ỏi của cha mẹ lo cho 5 anh em và phải tự trang trải các khoản chi phí học tập: sáng sớm đi bán báo, tối đến dạy kèm trẻ em tại tư gia. Từ đó, ông biết quý trọng giá trị sức lao động và càng quyết tâm học để bay cao, bay xa trong vùng trời tri thức vô tận. Có những lúc cậu học trò cấp 2 đó phải làm việc đến mức kiệt sức phải vào viện cấp cứu, thế nhưng vẫn không nản lòng với hành trình kiếm tìm tri thức. Ở giai đoạn đầu của cuộc đời, Giáo sư Võ Tòng Xuân hấp thụ những giáo lý cơ bản của nông nghiệp từ gia đình và cộng đồng nông dân xung quanh. Từ việc cày cấy, chăm sóc cây trồng cho đến quản lý đất đai, ông phát hiện ra sự quan trọng và ảnh hưởng của nông nghiệp đối với cuộc sống hàng ngày. Niềm đam mê của ông bắt nguồn từ việc hiểu rõ sâu sắc về quy luật tự nhiên và sự tương tác giữa con người và môi trường nông nghiệp. Thậm chí trước ngày lên đường du học sau khi được nhận học bổng, cha của ông đã phải đi “gõ cửa” nhiều người thân mới có đủ tiền mua cho con vé máy bay, đôi giày da và bộ đồ veston.  Năm 1961, ông được học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc trong học tập. Ông luôn xung phong trong các hoạt động ngoại khóa của trường như: viết báo, chụp ảnh và thực hiện chương trình “giới thiệu về văn hóa Việt Nam” cho Đài phát thanh Philippines... Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI). Khi đến tuổi nghỉ hưu, ông trở thành Hiệu trưởng của ngôi trường Đại học đầu tiên trên quê hương An Giang. Năm 2003, ông là tác giả hai quyển sách, đồng tác giả một tác phẩm khác, chủ biên ba công trình, nhiều báo cáo khoa học; hướng dẫn công trình tốt nghiệp cho trên 150 kỹ sư nông nghiệp, 03 tiến sĩ nông học, 05 phó tiến sĩ và 12 thạc sĩ. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống lúa IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây.  Không chỉ nổi tiếng trong nước mà các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở Châu Phi. Năm 2007, ông đã cùng cộng sự mang 60 giống lúa cao sản của đồng bằng sông Cửu Long sang Sierra Leone, Nigeria và Ghana giúp trồng thử nghiệm và phát triển thành công ở đây. Phó Tổng thống Sierra Leone - Solomon Berewa - nói rằng: Nếu Việt Nam giúp Sierra Leone thử nghiệm và tổ chức sản xuất lương thực theo kỹ thuật của đồng bằng sông Cửu Long thì không những nông dân Sierra Leone được no ấm mà Việt Nam còn có thể cùng Sierra Leone xuất khẩu gạo trực tiếp từ cảng Freetown của Sierra Leone đến các nước Tây Phi. 

Năm 2022, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ trao tặng “Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” của Chính phủ Nhật Bản cho Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, GS.TS Võ Tòng Xuân đã góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia nhập khẩu gạo trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo nổi tiếng thế giới. Thành tích nghiên cứu lúa gạo của GS.TS Võ Tòng Xuân không chỉ được ghi nhận ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Cũng theo ông Watanabe Nobuhiro, GS.TS Võ Tòng Xuân du học ở Nhật Bản từ những năm 70 thế kỷ XX, nhưng đến nay mối quan hệ giao lưu học thuật của ông với Trường Đại học Kyushu ở Nhật Bản vẫn được duy trì. Nhiều nhà nghiên cứu tại Nhật Bản cũng nhận được sự hướng dẫn của GS.TS Võ Tòng Xuân. Chính vì lý do đó, ông được bạn bè quốc tế yêu mến đặt là “Dr. Rice”.

Với những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao - kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, tại Lễ trao giải thưởng VinFuture 2023 diễn ra tối 20-12 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, GS. Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng VinFuture, giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, với công trình 'Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh'. Giải thưởng không chờ công trình được nhiều trên tạp chí khoa học mới đánh giá mà thật sự đánh giá từ chỗ ý nghĩa thực tiễn của sáng kiến, mang lại lợi ích cho xã hội. "Công việc của tôi là nghiên cứu thực tế, ứng dụng vào thực tế và những ứng dụng ấy đáp ứng đúng yêu cầu của người nông dân" - GS Võ Tòng Xuân nói.

medium_image_4abb9b2f0c.png

(Nguồn hình ảnh: Internet) 

Cùng là người con của Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Võ Tòng Xuân và TS.LS. Đỗ Hữu Chiến (Tổng giám đốc Công ty CP King Attorney), có cơ duyên gắn bó và làm việc cùng nhau. Giáo sư Võ Tòng Xuân vừa là người thầy, vừa là người truyền cảm hứng cho TS.LS. Đỗ Hữu Chiến. Trong cuốn sách  “Tự sự: Từ ước mơ đến hiện thực King Attorney - Vua App Luật sư 5.0”, TS.LS Đỗ Hữu Chiến đã chia sẻ ông là học trò của thầy tại Trường Đại học Cần Thơ. Lúc đó, thầy là hiệu phó, thường xuống thăm khoa công nghệ thực phẩm. Có cơ duyên gặp lại thầy trong chuyến đi Công tác từ Mỹ về với Luật sư Trần Cao Phú, TS.LS. Đỗ Hữu Chiến mới gặp lại thầy. Thầy chia sẻ thầy mong muốn nhóm trẻ quay về phục vụ đất nước. Nhìn thấy sự hy sinh của thầy, một người có tinh thần yêu nước làm TS.LS. Đỗ Hữu Chiến vô cùng ngưỡng mộ. Vì câu nói “Đồng bằng sông Cửu Long không có ai chuyên về lúa nước cả" mà thầy từ bỏ tất cả để về quê hương để cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà.

large_image_acb1740a00.png

(Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân - bên trái chụp hình cùng TS.LS. Đỗ Hữu Chiến - Tổng giám đốc Công ty CP King Attorney)

"Tôi tâm niệm nông dân giàu thì đất nước mới giàu được. Tôi khuyến khích nông dân càng làm nhiều giống lúa, xuất khẩu nhiều sẽ đạt chỉ tiêu GDP" - GS Võ Tòng Xuân chia sẻ. Trăn trở tìm ra những giống lúa ngon nhất, phù hợp nhất với người Việt Nam, giúp người nông dân thay đổi cuộc sống, GS Võ Tòng Xuân cho hay gạo Việt Nam hiện nay đang đứng nhất thế giới, sản lượng rất ổn định. Quy hoạch để trồng lúa cũng thiết kế theo kiểu sống chung với biến đổi khí hậu. Điều đó giúp ông thấy mãn nguyện thực hiện được lời nói của Bác Hồ. Tuy nhiên, điều GS còn trăn trở là nông dân làm còn manh mún, thương lái nhỏ lẻ chộp giật. Khó khăn cho người dân Việt Nam chính là không có đầu ra, phụ thuộc vào thương lái điều khiển giá thị trường. Chia sẻ về việc sử dụng tiền giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân cho hay ông sẽ lập thành quỹ Học bổng Nông nghiệp Võ Tòng Xuân. Quỹ đã được các học trò của ông thành lập từ năm 2022 nhưng chưa có kinh phí để duy trì quỹ. "Nhiều nhà khoa học đang chạy theo cái mới mang tính thách thức toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ, chính điều nội tại của dân mình mới cần phải lo. Lĩnh vực nông nghiệp hiện đang chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Tôi muốn lập quỹ học bổng để hỗ trợ các sinh viên nghiên cứu về nông nghiệp và để phổ cập hóa song ngữ tại các trường phổ thông Việt Nam". Về lời khuyên dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân cho rằng trước hết phải xác định mình ở đâu và sẽ đi về đâu. Từ đó, có mục tiêu rất cụ thể và phải ấp ủ, đam mê, học thật nhiều để thực hiện những đam mê ấy.  Đến nay, mặc dù đã 82 tuổi, nhưng “cha đẻ của cây lúa” ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn toát lên chất hào sảng của một “ông già Nam Bộ” với lịch làm việc dày kín với công tác quản lý, nghiên cứu, tư vấn về nông nghiệp, cây trồng…Ông vẫn còn nhiều ấp ủ với các dự án nông nghiệp ở các địa phương với mong muốn giúp người nông dân thoát nghèo, với tâm niệm: “Dù ở cương vị nào, tôi vẫn dốc toàn tâm, toàn lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực cho vùng sông nước cho đến khi nhắm mắt”. 

Chia sẻ