Quay lại
Tin tức pháp lý
9/22/2022, 3:30:00 AM

Cảnh giác trước các cuộc gọi điều tra, xử phạt

Lừa đảo bằng công nghệ là một hình thức phạm tội không mới. Từ khi những thiết bị điện tử được coi là vật bất ly thân, tội phạm đã lợi dụng chúng như công cụ thực hiện nhiều thủ đoạn phạm tội, với vô vàn kịch bản từ nghiệp dư đến tinh vi hòng chiếm đoạt tài sản của người khác. 

Trước sự gia tăng không ngừng của nạn nhân và giá trị tài sản bị lừa đảo, King Attorney Law Firm (KALF) muốn cung cấp thông tin pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiểu biết và tính cảnh giác của người dân trước những hình thức phạm tội thông qua điện thoại đáng báo động hiện nay. 

Thông qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về hiện trạng và cách để nhận diện các chiêu thức lừa đảo chuyên nghiệp thông qua quy định của pháp luật liên quan.

Giả mạo công an giao thông, mượn quyền lực của Nhà nước gọi điện “phạt nguội”.

Chia sẻ với KALF, chị H - một chuyên viên pháp lý (cư trú tại Quận 4, TP.HCM) không khỏi vừa phẫn nộ, vừa buồn cười khi nhận được cuộc gọi từ kẻ tự xưng là “bộ phận văn thư” của Cơ quan Công an. Thông qua trao đổi, kẻ này thông báo hiện đang giữ biên bản phạt nguội chị H vì vi phạm Luật giao thông và đề nghị cung cấp thông tin Họ tên, ngày sinh, số giấy tờ tùy thân để tiến hành tra cứu nộp phạt. 

Tuy nhiên, khi nhận thấy đối tượng là người có hiểu biết pháp luật, không “dễ lừa” thì “nhân viên văn thư này” đã chủ động ngắt máy. Chị H hiện đã trình báo vụ việc và cung cấp số điện thoại này cho cơ quan Công an có thẩm quyền để giải quyết. 

Có thể thấy, kẻ âm mưu lừa đảo ở trên vô cùng coi thường pháp luật và lợi dụng trình độ dân trí của người dân khi thực hiện một thủ đoạn đơn giản, dễ bị lật tẩy và nghi ngờ. Tuy nhiên, trong tình huống bất ngờ trở thành “người vi phạm” cùng với tâm lý e ngại, nể sợ quyền lực Nhà nước, nhiều người dân vẫn tin vào lời đe dọa “vòi tiền” của kẻ lừa đảo mà cung cấp thông tin nhân thân, đồng thời chuyển những khoản tiền “nộp phạt” không hề nhỏ vào tài khoản ngân hàng chúng chỉ định trước. 

Không chỉ dừng lại ở thủ đoạn giả danh Công an để phạt nguội, nhiều đối tượng muốn chiếm đoạt tài sản khác còn tạo ra vô số các kịch bản tinh vi thông qua mạng viễn thông (gọi điện, nhắn tin), mạng xã hội như Facebook, Zalo… để liên lạc với nạn nhân. 

Nhờ vào những đường dây mua bán thông tin, chúng dễ dàng nắm được tên, số điện thoại, thậm chí là số CMND/CCCD của đối phương để nâng cao độ tin cậy. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh các cán bộ Công an, Cảnh sát giao thông, Thẩm phán hay Kiểm sát viên đang tiến hành thực hiện điều tra các vụ án hình sự, đồng thời làm giả các Lệnh bắt tạm giam và Quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự rồi gửi cho người bị hại. Sau đó, họ yêu cầu những người này phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng thông báo hoặc cung cấp thông tin về số tiền tiết kiệm, sổ tiết kiệm, các thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền… để phục vụ điều tra và hứa hẹn sẽ trả lại sau khi chứng minh họ vô tội. Thật nguy hại cho những người nhẹ dạ cả tin và ít cảnh giác, đề phòng với những chiêu thức lừa đảo qua mạng tràn lan hiện nay.

  1. Quy trình “phạt nguội” hợp pháp được tiến hành như thế nào?

“Phạt nguội” là cụm từ thường được người dân sử dụng để gọi tên hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, một số các ngã tư, là trọng điểm giao thông có ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý.

Để có thể nhận diện ngay lập tức các thủ đoạn lừa đảo giả danh Công an giao thông thì chúng ta cần phải trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết tối thiểu về cách Cơ quan có thẩm quyền phạt vi phạm giao thông. Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có một cách thức xử lý vi phạm nào được thực hiện thông qua những cuộc gọi điện thoại. Nguyên tắc minh bạch trong quản lý hành chính Nhà nước đòi hỏi việc xử lý vi phạm phải được tiến hành bằng văn bản và đặc thù của việc xử lý phạt nguội phải thực hiện qua nhiều giai đoạn. 

Cụ thể, theo quy định tại thông tư số 15/2022/TT-BCA, quy trình xử lý vi phạm hành chính của Cơ quan cảnh sát quản lý về giao thông đường bộ như sau:  

  1. Xử lý bằng chứng ghi nhận vi phạm

Trước hết phải có hành vi vi phạm đã được ghi hình khi CSGT đang thực hiện nghiệp vụ, hoặc ghi hình thông qua hệ thống giám sát tự động. Sau đó trích xuất hình ảnh để có đủ yếu tố xử phạt (thời gian vi phạm, địa điểm vi phạm, tín hiệu giao thông, biển số đăng ký phương tiện). Thời hạn “phạt nguội” được quy định là 10 ngày làm việc kể từ khi phát hiện vi phạm. 

  1. Hoàn thành hồ sơ xử phạt

Các văn bản cần thiết bao gồm phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo vi phạm cho chủ sở hữu phương tiện. Thông tin của chủ xe được xác định thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

  1. Chuyển hồ sơ về địa phương để thông tin tới người vi phạm

Phòng cảnh sát giao thông gửi các hồ sơ trên về Công an phường, xã, thị trấn địa phương nơi người vi phạm cư trú. Công an địa phương sẽ gửi thông báo, giấy mời, giấy triệu tập,.. để yêu cầu người vi phạm tới Cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Công an địa phương để giải quyết vụ việc.

Cũng theo Thông tư số 15/2022/TT-BCA, việc điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời bị nghiêm cấm .Vì những lẽ đó, người dân hãy thật cảnh giác khi nhận được điện thoại tự xưng là Công an hay bất kì một chức danh quản lý hành chính nào khác yêu cầu cung cấp thông cấp thông tin và thực hiện các yêu cầu liên quan đến tài sản cá nhân vì khả năng rất cao người gọi điện muốn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Ngoài ra, người dân có thể xác nhận việc phương tiện của mình hiện có thuộc đối tượng “phạt nguội” do vi phạm giao thông hay không thông qua những thao tác rất đơn giản trên Trang Thông tin điện tử của Phòng CSGT Công an các tỉnh thành phố.

Ví dụ: địa chỉ truy cập của Trang thông tin điện tử Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP.Hồ Chí Minh là: http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn ) hoặc Cổng Thông tin điện tử của Công an các tỉnh, thành phố hoặc của Cục CSGT ( http://www.csgt.vn ). Chọn mục “Tra cứu”, tiếp theo chọn “thông tin tra cứu lỗi vi phạm giao thông qua hình ảnh”. Tại đây người dân chỉ cần điền chính xác thông tin biển số xe cần tìm vào ô bên dưới. Trong trường hợp phương tiện đó không có hành vi vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên Cổng, Trang Thông tin điện tử là “Chúc mừng. Không tìm thấy lỗi vi phạm của bạn. Mong bạn tiếp tục tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và lái xe an toàn”. Trong trường hợp phương tiện đó có vi phạm thì hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên Trang Thông tin điện tử là số lần vi phạm của phương tiện.

  1. Nên làm gì khi nhận được điện thoại lừa đảo? 

Do thủ đoạn phạm tội để chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến và tinh vi, lợi dụng công nghệ cao tiếp cận nạn nhân nên ngay cả khi có sự can thiệp của cơ quan Công an, việc giải quyết cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”, người dân cần: 

- Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, cơ quan Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Đồng thời tỉnh táo trước các giọng điệu đe dọa, bình tĩnh để xem xét việc đe dọa này có căn cứ hay không. 

- Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email...) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.

- Ngay khi phát hiện có dấu hiệu, hành vi lừa đảo xảy ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý. Việc trình báo có thể thực hiện thông qua đường dây nóng của Bộ Công an, Công an cấp tỉnh thông qua điện thoại: 

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP Hà Nội: 069.2342431.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP. HCM: 069.3336310.

Công an TP. Hà Nội: 024.3942.2532.

Công an TP. HCM: 0283.8413744 hoặc 0693187680. 

Tác giả bài viết: Vũ Thị Vân Anh 

Chia sẻ