Quay lại
Tin tức pháp lý
2/1/2024, 3:30:00 AM

BỊ ĐƠN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

1. Bị đơn trong vụ án dân sự là gì? 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật tố tụng dân sự quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Việc tham gia vào vụ án dân sự của bị đơn mang là tính bắt buộc, không chủ động như nguyên đơn. Bị đơn là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung giải quyết trong vụ án dân sự và bị coi là đã xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích của nguyên đơn hay tranh chấp với nguyên đơn.

Ví dụ: Công ty A và công ty B ký hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau. Công ty A đã giao hàng nhưng công ty B lại không thanh toán tiền hàng. Công ty A đã nhiều lần gửi thông báo đòi nợ, thời gian đòi nợ kéo dài hơn một năm nhưng công ty B vẫn không phản hồi gì và cũng không thanh toán. Vậy nên, công ty A đã làm đơn khởi kiện công ty B và yêu cầu B trả tiền hàng cùng lãi suất thanh toán chậm. Sau khi Tòa án ban hành thông báo thụ lý vụ án, Công ty A trở thành nguyên đơn và công ty B trở thành bị đơn trong vụ án này. 

1671529041932_Bang_loi_noi_2_ff21da50ae.jpg

2. Quyền và nghĩa vụ của bị đơn 

Căn cứ quy định tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quyền và nghĩa vụ của bị đơn bao gồm: 

- Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

- Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc nếu có thay đổi địa chỉ nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.

- Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.

- Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; 

Đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.

- Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ.

- Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

- Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành.

- Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

- Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

- Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.

- Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

- Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.

- Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.

- Được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án.

- Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.

- Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.

- Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.

- Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

- Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại mục 2.

- Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại mục 2.

- Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.

3. Hỗ trợ của Luật sư KA đối với bị đơn trong vụ án dân sự thông qua nền tảng KA-ACADEMY  

Luật sư của KA hướng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những thân chủ đã bị thưa kiện này bằng cách bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng mà họ có và giúp họ giảm thiểu thiệt hại tối đa.

Bởi vì có những vụ kiện mà yêu cầu của nguyên đơn là vô căn cứ và có thể gây thiệt hại cho bị đơn dù bị đơn không có lỗi với nguyên đơn. Hoặc ví dụ như việc xét xử căn cứ vào cơ sở pháp lý không đúng hoặc có dấu hiệu vi phạm về thủ tục, trình tự tố tụng.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị đơn, luật sư của KA sẽ tư vấn để bị đơn thực hiện đúng quy trình tố tụng tại Tòa án, đồng thời hỗ trợ soạn thảo văn bản dựa trên quy định pháp luật thông qua KA ACADEMY - nền tảng app/web cho riêng luật sư KA.

Trên nền tảng tự động hóa KA ACADEMY, mục về “ĐƯƠNG SỰ” sẽ giúp khách hàng xem xét được vai trò của bị đơn là gì, thủ tục tố tụng và thủ tục liên quan như thế nào? Việc nào thì bị đơn cần phải làm? Việc cung cấp chứng cứ và hòa giải tại tòa sẽ diễn ra như thế nào? Ai là người được kháng cáo, kháng nghị bản án?...

Trong quá trình thực thi về tố tụng dân sự, không tránh khỏi việc xảy ra những hành vi vi phạm tố tụng. Luật sư tư vấn sẽ giúp bị đơn khiếu nại, tố cáo nếu có người vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, làm sai lệch bản chất vụ án.

Nền tảng KA ACADEMY nhắm tới tự động hóa và phát triển bền vững, tức là giúp luật sư có thể tham mưu tự động cho khách hàng của mình về pháp luật. Đây là nơi tạo nền tảng app/web cho riêng luật sư KA và mọi người sẽ dễ dàng tìm được luật sư giỏi bảo vệ cho mình khi tranh luận tại Tòa án.

Chia sẻ